Ông bình vôi và mối quan hệ với tập tục cưới xin

Đánh giá: 9.0 - Lượt bình chọn: 1 - Lượt xem: 4041
Ông bình vôi và mối quan hệ với tập tục cưới xin Ông bình vôi và mối quan hệ với tập tục cưới xin
9.0/10 1 bình chọn

Qua những cách đồng lúa chiêm Bắc Bộ những ngày hè nóng bỏng, ta đặt chân vào một bến nước thanh bình, một bóng con đò vàng nhịp nhàng đưa khách lãng du vào những chiếc cổng làng cổ kính để tìm về với chút dư âm của ngàn năm văn vật. Trên những con đê làng hun hút, bóng dáng những cây đa cổ thụ ẩn hiện xa xa tựa như một ngọn đồi xanh thẳm ẩn hiện trong bóng ráng chiều lộng gió. Đằng sau chúng là những xóm làng cổ kính cao thấp lô nhô. Những chiếc cổng tam quan  đẫm màu rêu phong nghiêng mình trong tuế nguyệt vô tình đã trở thành những “chứng nhân” chun thủy nhất của thời gian dù người làng ai sinh ra, lớn lên rồi có đi đâu về đâu. 

Nếu như bộ ba mái đình, cây đa đầu làng, bến nước (giếng nước) là biểu tượng của xóm làng cổ kính thì cây đa giữa đàng lại là chốn linh thiêng tịch mịch. Quanh gốc cây đa ấy, người ta đếm có đến hàng chục chiếc bình vôi cũ kỹ, miệng bị vôi che lấp kín, được đặt chi chít ở nhiều tư thế khác nhau. Xen lẫn giữa chúng là một ngôi miếu thờ phủ màu cát bụi. Đấy không phải những chiếc bình vôi bình thường, mà là các “ông bình vôi” được thần bí hóa. Và những ngôi miếu lô nhô kia là để thờ các “cô hồn”, thờ những người chết bất đắc kỳ tử, chết bờ chết bụi mà không ai thờ phượng, và đồng thời còn để thờ những “Ông bình vôi”. Chất thần bí của cây đa giữa đàng càng rõ nét hơn vào đêm trăng sáng, khi những tia sáng lập lòe trong những chùm lá non chiếu xuống mặt đường, gió xa về đung đưa những cành cây kẽo kè kẽo kẹt, cứ như có ai đang đánh võng ru con.

Câu chuyện về ông bình vôi thường gắn liền với gốc đa đầu làng

 

Nguồn gốc xuất hiện của những “ông bình vôi” gắn liền với tục ăn trầu cau vốn có lịch sử cổ xưa đến mức không ai nhớ nổi. Điều chắc chắn rằng chúng (trầu, cau) không thể thiếu trong các phong tục dân gian từ hôn nhân đến tang ma và cúng tế tổ tiên trong làng. Hơn thế, trầu cau còn là loại “chất xúc tác quan hệ” trong tình yêu đôi lứa, và là thứ không thể thiếu đối với không ít người phụ nữ Việt Nam. Có lẽ vì chúng quan trọng đến thế nên người Việt Nam có hẳn Sự tích Trầu cau đầy cảm xúc, chứa đựng biết bao tâm tư, tình cảm nhân sinh cùng những nét thâm túy của triết lý âm dương, tàm tài cổ kính. Trầu, cau không có vôi không làm nên tục ăn trầu. Vôi không gắn với trầu và cau, vôi chỉ là một hợp chất từ đất đá mà thôi…

 

Nguồn gốc xuất hiện của những “ông bình vôi” gắn liền với tục ăn trầu cau

 

Không chỉ người Việt Nam mà người Khách Gia (Nam Trung Hoa), người Đài Loan và một số dân tộc Đông Nam Á cũng ăn trầu cau, chỉ có điều, ở Trung Hoa và Đài Loan thì chỉ có người đàn ông mới ăn trầu. Chất mằn mặn, hăng hăng của trầu, cau và vôi vừa giúp cân bằng sức khỏe, vừa tạo một xung lực đặc biệt để buổi chuyện trò thêm rôm rả hơn.

Người dân Bắc Bộ có thơ:

"Ru con con ngủ cho rồi

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,

Mua cau Nam phố, mua trầu chợ Dinh."

Còn người Trung Bộ thì ngân nga:

"Bồng em mà bỏ vô nôi,

Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu,

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,

Mua cau Bát Nhị, mua trầu Hội An."

Khi muốn ăn trầu, các bà phải têm trầu cau với vôi ở một tỷ lệ phù hợp. Khổ nỗi, khi lấy vôi ra khỏi bình thường là lượng vôi nhiều hơn mức cần thiết nên các bà thường quẹt vôi lại ở miệng bình. Đến một lúc nào đó, miệng bình vôi bị mặt vôi khô cứng bịt kín. Đó là lúc chiếc bình vôi thành “ông bình vôi”, tức đã “có thần”, đã thành “thần bình vôi”. Dân gian không bao giờ vứt bình đi mà phải trân trọng mang ra đặt thờ ở gốc đa đầu làng. Bình vôi ở Việt Nam được làm ra để phục vụ các bà nên khi thành thần, phải là “ông bình vôi”. Âu cũng là một thể hiện của triết lý âm dương vậy.

 

Chiếc bình vôi còn được hiểu là bảo bối chứa đựng quyền lực nội trợ của người phụ nữ

 

Chiếc bình vôi còn được hiểu là bảo bối chứa đựng quyền lực nội trợ của người phụ nữ, do vậy ở một số gia đình, khi người con trai đi lấy vợ, người mẹ ôm bình vôi sang giấu ở nhà hàng xóm. Bà lưu luyến vị trí nội trợ chính của mình, bởi từ lúc đó trở đi đã phải có một người phụ nữ khác “cạnh tranh” với bà.

Lần sau có rẻo bước lãng du vào thế giới thôn làng cổ kính, hãy dành một phút điềm tĩnh để cảm thụ nét gần gũi song lại rất linh thiêng của những “ông bình vôi” chen chút, lầm lũi dưới gốc đa ven đường bạn nhé!

Ý kiến bạn đọc (0)
Gửi

Tư vấn xem nhiều