Kinh nghiệm tổ chức lễ ăn hỏi khi hai gia đình ở xa

Đánh giá: 9.0 - Lượt bình chọn: 1 - Lượt xem: 6725
Kinh nghiệm tổ chức lễ ăn hỏi khi hai gia đình ở xa Kinh nghiệm tổ chức lễ ăn hỏi khi hai gia đình ở xa
9.0/10 1 bình chọn

Chú rể Thành Đạt ở Nghệ An, cô dâu Bùi Thanh ở Hà Nội đã hoàn thành xong lễ ăn hỏi tháng 6 vừa qua một cách suôn sẻ, khoa học lại tiết kiệm chi phí. Nơi Đạt làm việc và nhà cô dâu ở Hà Nội nên tiện nhiều việc. Đạt đặt dịch vụ đồ lễ tráp ăn hỏi và người bưng tráp luôn ở đây vì sau khi tham khảo thì Đạt thấy, đồ lễ bày biện đẹp, đầy đặn, dịch vụ bê tráp tốt lại chở đến tận nhà gái. Gia đình hai bên quyết định làm gộp lễ dạm ngõ và lễ ăn hỏi, nên đến ngày ăn hỏi, bố mẹ Đạt và họ hàng chỉ cần chuẩn bị 30 chục trầu cau, tiền lễ đen, thuê một chuyến xe từ Nghệ An ra Hà Nội. Trước giờ vào nhà gái 30 phút, xe từ Nghệ An ra sẽ gặp đoàn bê tráp hỏi của Đạt tại một điểm gần nhà gái, sắp xếp lại đồ lễ và vào nhà gái.

Với Hoàng Anh, trai Hải Phòng cưới vợ Tuyên Quang lại có cách chuẩn bị đồ lễ khá sáng tạo. Hoàng Anh nhờ bên nhà gái, cụ thể là anh họ của cô dâu đứng ra chịu trách nhiệm đặt lễ giúp và nhờ luôn người bê tráp. Đến ngày giờ ăn hỏi đã định sẵn, đoàn nhà trai sẽ gặp, nhập vào đoàn bê trap và vào nhà gái. Hoàng Anh nói: “Hai đứa mình bàn bạc với hai bên gia đình, mọi người đều đồng ý và thống nhất làm theo cách này. Mình thấy đặt lễ luôn ở bên nhà gái rất hay. Thứ nhất, đồ lễ ăn hỏi sẽ phù hợp với phong tục ở quê vợ, tụi mình cũng tiết kiệm được nhiều chi phí đi lại; thêm vào đó, không phải cách rách, hồi hộp khi di chuyển đồ lễ đi quá xa”.

Mâm quả lễ ăn hỏi

Ngày ăn hỏi và đám cưới của cô dâu Ngọc Hiệp (Bình Định) và chú rể Mạnh Hùng (Nam Định) được hai gia đình thống nhất tổ chức cách nhau một ngày. Vì điều kiện xa xôi, đi lại nhiều sẽ gây mệt mỏi cho gia đình nhà trai nên ba má Hiệp bàn bạc và đồng ý với nhà trai tổ chức ngày ăn hỏi và ngày cưới liền ngày nhau. Ngọc Hiệp kể: “Ba má chồng mình mừng lắm, còn nói “cảm ơn ông bà thông gia đã tạo điều kiện cho bên nhà trai”. Mình nhớ hai ngày đó vui và cũng để lại nhiều kỷ niệm với những người tham dự. Sau lễ ăn hỏi được tiến hành đúng nghi thức, nhà gái mời nhà trai ở lại dự tiệc. Rồi nhà trai về khách sạn nghỉ lại một ngày. Trong thời gian chờ lễ cưới ngày hôm sau, mọi người từ Nam Định vào còn tranh thủ đi thăm thú, mua sắm. Mà dẫn đoàn toàn là người nhà gái nên mối quan hệ hai nhà trở nên thân thiết cho tới tận bây giờ”.

Quả xôi và gà thường không thể thiếu trong lễ cưới, hỏi

Cô dâu Bảo Chi ở Lạng Sơn và chú rể Anh Tuấn ở Hà Nội đã gộp lễ ăn hỏi và đón dâu trong cùng một ngày. Vào ngày đó, nhà trai chuẩn bị toàn bộ tráp lễ vật ăn hỏi, ngoài ra còn có một tráp trầu cau để khi tiến hành lễ ăn hỏi xong là xin dâu luôn. Lễ ăn hỏi diễn ra như bình thường. Rồi đoàn nhà trai xin phép ra về, bước ra khỏi nhà gái, coi như đã hoàn thành lễ ăn hỏi. Tiếp đến, nhà trai cử người đại diện mang khay trầu cau vào để làm thủ tục xin dâu, rồi đoàn nhà trai mới được tiến vào đón dâu. “Gộp hai lễ trong đám cưới nên gia đình nhà chồng không phải mệt mỏi vì di chuyển nhiều mà việc trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị tiệc ở nhà mình cũng trở nên đơn giản hơn. Chỉ có cô dâu là tất bật trong việc trang điểm và thay váy. Sau lễ ăn hỏi, mình phải thay áo dài để mặc váy cưới rồi phải bới lại kiểu tóc cho thay đổi. May mà mình nhờ chuyên gia trang điểm tới tận nhà nên mọi việc đều rất nhanh gọn”, Bảo Chi chia sẻ.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện và tập quán của mỗi gia đình, mỗi địa phương để hai họ có những cách tổ chức lễ ăn hỏi phù hợp. Ngoài ra, việc bàn bạc, thống nhất cách tổ chức giữa hai gia đình dựa trên sự thông cảm và tạo điều kiện cho nhau cũng hết sức quan trọng để có một đám cưới tốt đẹp.           

Ý kiến bạn đọc (0)
Gửi

Tư vấn xem nhiều