1. Quy về một mối
Chị Bảo Anh kể lại việc sắm đồ cưới cách đây 4 năm của mình: “Vợ chồng chúng tôi tự tổ chức đám cưới. Ngay từ đầu, chúng tôi thống nhất với nhau là quỹ quy về một mối. Không phân biệt rạch ròi người này phải đưa bao tiền, người kia phải đưa bao nhiêu tiền mà ai có bao nhiêu thì góp bấy nhiêu. Tôi được giao là tay hòm chìa khóa. Tất nhiên trước đấy, chúng tôi dự tính chi phí cho mỗi món đồ dùng phải mua cũng như tiền tổ chức tiệc cưới và cứ y chang như vậy mà thực hiện. Thuận tiện là cơ quan gần nhau nên vợ chồng tôi tranh thủ để “chạy” các công việc cưới xin với nhau. Đi cùng nhau vừa tình cảm vừa là có được sự thống nhất tuyệt đối. Cuối cùng, tổng kết lại sau đám cưới, khoản tiền của chúng tôi dành dụm để chi trả mọi thứ cho đám cưới và còn thừa chút ít để đi trăng mật và ổn định cuộc sống mới. Tôi nghĩ, việc có nhiều tiền hay ít tiền không quan trọng, quan trọng nhất là cô dâu chú rể có thể lên kế hoạch đám cưới phù hợp với tình hình tài chính cũng như điều kiện của cả hai. Khi tất cả phù hợp mới có được sự đồng thuận và vui vẻ cho cả hai vợ chồng. Và có lẽ điều cơ bản nhất là các bạn sẽ không phải gánh bất kỳ một khoản nợ nào sau đám cưới.”
Quy tài chính về một mối để từ đó cùng nhau hoạch định, chi tiêu hợp lý là một giải pháp hay cho các cặp đôi
2. Vào hết tay vợ
Chị Bùi Phương và anh Việt Quang không phải tổ chức tiệc vì nhà trai và nhà gái mời khách riêng nên bố mẹ hai bên đứng ra đảm nhiệm. Nhiệm vụ của anh chị là tự sắm sửa đồ đạc cho phòng cưới, đồ lễ ăn hỏi, váy cưới, áo vest, chụp ảnh cưới, hoa cưới, thuê xe cưới. Công việc bận rộn lại dễ tính và luôn hài lòng với mọi lựa chọn của bà xã, anh Quang để chị Phương tự quyết định mọi việc. Hiếm khi anh Quang đi chọn đồ được cùng vợ nên chị Phương đi cùng bạn bè là nhiều. “Chúng tôi không dự tính chi phí cho đám cưới cụ thế mà chủ yếu là lên danh sách những thứ cần sắm sửa. Trước khi cưới, anh Quang đưa cho tôi khoản tiền mà anh anh nói là đã dành dụm được từ hồi bắt đầu đi làm, giờ “Anh gửi lại cho vợ – người nâng khăn sửa ví cho anh”. Anh đưa tế nhị lại thể hiện sự chân thành của anh nên tôi thấy rất hạnh phúc. Tôi tự chi tiêu, ghi chép lại ra giấy để kiểm soát kiểu chi tiêu hay quá tay của mình. Nhiều khi tôi đưa cho anh xem những gì đã chi tiêu và sắm sửa được anh cũng chỉ xem qua rồi nói “Tùy em hết”. Sau khi cưới về, anh vẫn đưa cho tôi mọi khoản tiền và tôi tự lên kế hoạch để sắp xếp chi tiêu cho cả gia đình. Đến giờ, chồng tôi luôn nói đùa là đã chọn được một “ngân hàng” rất uy tín.
Cô dâu chú rể nên thống nhất trước những chi phí đã định và cố gắng không tiêu dùng quá tay
3. Nhà tài trợ có tên “bố mẹ”
Trường hợp của Cô dâu Kim Ngọc lấy Nathan người Mỹ cũng là trường hợp của nhiều bạn trẻ kết hôn khi cả hai mới đi làm, chưa có điều kiện kinh tế. Khi quyết định tổ chức đám cưới, hai bạn không hề có nhiều tiền. Sau khi bàn bạc, họ đã quyết định nói chuyện với bố mẹ của chú rể để nhờ họ đứng ra lo đám cưới. Ngọc và Nathan thẳng thắn đưa ra những lý do của mình là vừa mới ra trường, lại muốn dành dụm ít tiền để về Việt Nam lo cuộc sống mới. Họ đã nhận được sự cảm thông, ủng hộ của bố mẹ Nathan. Một đám cưới vui và hạnh phúc đã được tổ chức tại Mỹ với sự chúc phúc của người thân và bạn bè.
Nếu không tự tổ chức đám cưới của mình, các bạn hãy nói chuyện và nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ
4. Nguyên tắc chung
Như vậy, mặc dù việc quyết định ngân sách, cân đối chi phí luôn là vấn đề số một mà các đôi uyên ương thường tranh luận nhưng việc đó sẽ trở nên dễ dàng khi hai bạn:
1. Thẳng thắn sẽ trò chuyện, thảo luận bằng thái độ nhẹ nhàng, lắng nghe lẫn nhau để lên kế hoạch hợp lý, cụ thể nhất.
2. Cô dâu chú rể nên thống nhất trước những chi phí đã định và cố gắng không tiêu dùng quá tay. Nếu vẫn không tìm được tiếng nói chung ổn thỏa, hai người có thể nhờ tới sự góp ý của mọi người xung quanh như gia đình, bạn bè,...
3. Nếu không tự tổ chức đám cưới của mình, các bạn hãy nói chuyện và nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ.
Các cặp đôi cần thẳng thắn trò chuyện, thảo luận bằng thái độ nhẹ nhàng, lắng nghe lẫn nhau để lên kế hoạch hợp lý, cụ thể nhất