Những kỵ trong đám cưới miền nam

Đánh giá: 9.0 - Lượt bình chọn: 1 - Lượt xem: 11165
Những kỵ trong đám cưới miền nam Những kỵ trong đám cưới miền nam
9.0/10 1 bình chọn

Phong tục cưới xin tùy thuộc vào từng vùng, từng dân tộc. Tuy nhiên, nếu tổ chức đám cưới theo phong tục miền Nam, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

Kỵ tuổi

Thường thì ngay từ khi chàng trai/cô gái dắt người yêu của mình về ra mắt gia đình là bố mẹ hai nhà đã tìm cách để biết chàng trai/cô gái đó tuổi gì, mạng gì. Nếu thầy phán hợp tuổi, hợp mạng thì không có vấn đề gì lớn nhưng cũng có những đôi, khi thầy phán là kỵ tuổi, mạng can xung khắc, nếu lấy nhau thì làm ăn không nên, có thể tan vỡ, thậm chí người con trai/con gái mai sau sẽ yểu mệnh… thì bố mẹ của họ phần lớn là sẽ cản. Không ít cặp đôi, không vượt qua được trở ngại đầu tiên này, dẫn đến việc không đến được với nhau. Nhưng cũng có những cặp đôi, hoặc là thuyết phục, dùng lý lẽ, dùng những trường hợp cụ thể để chứng minh cho bố mẹ hai bên thấy rằng không hợp tuổi, mạng, can xung khắc vẫn sống hạnh phúc trọn đời bên nhau. Nếu bố mẹ hai bên hiểu, thông cảm, chấp nhận thì cũng có một số cách mà theo họ cho là “hóa giải” chuyện kỵ tuổi. Thậm chí, nếu không thuyết phục bố mẹ ngay vào thời điểm đó thì một số cặp đôi vẫn quyết tâm đến với nhau và tự chứng minh cho bố mẹ thấy bằng chính cuộc sống đầm ấm của mình.

Ngày giờ tốt của đám cưới phụ thuộc vào tuổi cô dâu, chú rể

Kiêng kỵ ngày giờ

Ngày giờ ăn hỏi, rước dâu, cử hành hôn lễ đều phải tốt. Bởi thế cho nên, trước đám cưới, việc xem ngày giờ luôn được đặt vào hàng quan trọng. Ngày giờ tốt cho đám cưới còn phụ thuộc vào tuổi của cô dâu chú rể, năm tổ chức đám cưới và nguyện vọng của hai bên gia đình. Hiện nay, việc chọn ngày cưới, ngày đãi tiệc còn phụ thuộc vào lịch của nhà hàng đặt tiệc hay phụ thuộc vào công việc, ngày giờ của bạn bè, quan khách của hai bên. Quan niệm của người xưa cho rằng, nếu hôn lễ cử hành vào ngày giờ đẹp thì cuộc sống sau này sẽ yên ả, con đàn cháu đống, đầu bạc răng long.

Kiêng kỵ trong rước dâu

Điểm qua một số điều mà cô dâu, chú rể cần tránh trong đám cưới miền Nam:

Với mâm trầu cau, chú rể chỉ được xé cau trong mâm chứ không được dùng dao cắt.

Khi đi đón dâu, đường đi và đường về phải khác nhau, đi chung một đường sẽ dễ dẫn đến tan vỡ. Lúc nhà trai rời khỏi cổng nhà gái, cô dâu cứ nhìn thẳng về phía trước, tuyệt đối không được ngoảnh đầu lại phía sau.

Hôn lễ chính phải cử hành tại bàn thờ tổ tiên có đủ “hương đăng hoa quả”. Họ hàng nhà trai khi đến phải có người làm mai đi đầu. Lễ vật bao gồm: trái cây, bánh kẹo, trầu cau và cặp đèn trùng với kích thước chân đèn trên bàn thờ.

Nhẫn cưới phải là nhẫn trơn và tuyệt đối không được đeo trước ngày cưới.

Trong đám cưới còn kiêng đổ vỡ, hãy cẩn thận tránh làm đổ vỡ bất cứ thứ gì trong ngày trọng đại.

Mẹ cô dâu không được theo đoàn đưa cô dâu về nhà chồng và mẹ chồng không được đứng trước cửa rước dâu.

Cô dâu đang mang bầu khi về nhà chồng không được đi vào từ cửa chính. Ông bà ta quan niệm nếu để cô dâu mang bầu đi cửa trước sẽ làm ăn không nên, vì thế cô dâu mang bầu phải đi cửa sau vào nhà.

Phụ nữ góa chồng hoặc người tứ nhãn (bốn mắt, chỉ phụ nữ mang thai) không được vào phòng tân hôn; kỵ cho người khác ngồi trên giường tân hôn.

Tuyệt đối không được đeo nhẫn cưới trước ngày cưới.

Kiêng kỵ trong đám tiệc

Người đang có tang không được dự đám cưới. Đồng thời, các cụ còn kiêng kỵ chuyện có bà bầu đi đến đám cưới. Nhưng hiện nay, dường như chuyện bà bầu đi đám cưới đã trở thành chuyện bình thường.

Khi làm lễ trong tiệc cưới, cô dâu phải để chú rể cầm chai champagne và cắt bánh cưới, chứ cô dâu không được giành làm. Như vậy thì về sau người đàn ông mới có quyền làm chủ, gia đình hạnh phúc, không xào xáo.

Mới cưới về không được ngủ giường cũ mà phải mua giường mới. Thêm đó, phải nhờ người tốt vận (người phụ nữ trung niên, có gia đình ấm êm hạnh phúc, có cả con trai, con gái) trải chiếu hoa giúp, như thế thì mới mong sinh con đàn cháu đống và dễ nuôi.

Hạnh phúc là khi vợ chồng hiểu, yêu nhau và có những kỹ năng sống chung

 

Thực ra, trong đám cưới hiện đại ngày nay, nhiều bạn trẻ vẫn thường nghĩ rằng những điều kiêng kỵ là lạc hậu, mê tín. Thế nhưng nhiều điều kiêng kỵ (không phải là tất cả) là có cơ sở. Các cụ ta thường nói, “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Chuyện kiêng kỵ đôi khi nằm ở khía cạnh tâm lý, kiêng kỵ còn là một nét văn hóa trong truyền thống cưới xin của người Việt. Khi kiêng kỵ, tâm trạng mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc, còn không, nếu xảy ra chuyện không may thì lại nói ý rằng “tại vì lúc đám cưới không biết kiêng kỵ”… Thế nhưng, đối với một số điều không hợp lý và mang tính mê tín thì không nên mù quáng thực hiện. Một cuộc hôn nhân bền vững hay không chủ yếu là do hai vợ chồng.

Họ có thật sự hiểu nhau, yêu nhau và có những kỹ năng sống chung hay không chứ không hề phụ thuộc vào những điều kiêng kỵ. Những bậc cha mẹ cũng nên cân nhắc lựa chọn những nét đẹp của những điều kiêng kỵ trong ngày cưới mà truyền lại cho thế hệ sau.

Ý kiến bạn đọc (0)
Gửi

Tư vấn xem nhiều